Thủ tục mang tiền mặt nhập cảnh vào Việt Nam được quy định như thế nào? Có thể nói sau đại dịch Covid, nhu cầu xuất nhập cảnh của mọi người rất lớn, bằng chứng là các cảng hàng không Việt Nam với hàng ngàn lượt đón, tiễn du khách mỗi ngày. Ngoài các thông tin về thủ tục xin visa, thì các quy định về việc mang tiền mặt nhập cảnh vào Việt Nam cũng được quan tâm không kém.
Để tránh sai sót, gặp rắc rối trong quá trình nhập cảnh Việt Nam, hãy dành ít phút để tìm hiểu thêm các thông tin về vấn đề này một cách tổng quát nhất nhé!
Mang bao nhiêu tiền nhập cảnh vào Việt Nam thì phải khai báo ở cửa khẩu?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN thì:
Điều 2. Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh
- Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:
- a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
- b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).
- Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.
- Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.
Như vậy nếu bạn đem theo tiền mặt có giá trị trên 5.000 USD đối với ngoại tệ khi nhập cảnh vào Việt Nam thì phải khai báo, trường hợp thấp hơn hoặc mang theo dưới các hình thức séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác thì không phải khai báo Hải quan, tuy nhiên trường hợp mang số tiền mặt ngoại tệ thấp hơn hoặc bằng 5.000 USD muốn gửi vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ được mở tại các tổ chức tín dụng được phép của cá nhân thì cũng sẽ phải khai báo Hải quan.
Thủ tục mang tiền mặt nhập cảnh vào Việt Nam qua Hải quan
Căn cứ Điều 3 Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định về giấy tờ xuất trình cho Hải quan cửa khẩu khi cá nhân xuất cảnh theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo:
– Cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt vượt mức quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này hoặc vượt số mang vào đã khai báo Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh lần gần nhất, phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu:
- Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài (sau đây gọi là Giấy xác nhận) do tổ chức tín dụng được phép cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; hoặc
- Văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.
– Cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt vượt mức quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nhưng không vượt quá số lượng đã mang vào phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt đã mang vào khi nhập cảnh lần gần nhất, không cần phải có Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng được phép.
Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt đã mang vào khi nhập cảnh vào Việt Nam lần gần nhất chỉ có giá trị cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài khi xuất cảnh lần tiếp theo trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ghi trên Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh.
Như vậy, theo quy định trên khi đi ngang qua cửa khẩu phải xuất trình được các loại giấy tờ theo quy định trên cho hải quan kiếm soát bạn.
Thủ tục gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân
Theo Điều 4 Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định cá nhân khi nhập cảnh vào Việt Nam muốn gửi ngoại tệ vào tài khoản thanh toán cá nhân thực hiện như sau:
Bước 1: Cá nhân xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào
Bước 2: Tổ chức tín dụng đóng dấu xác nhận số ngoại tệ đã nộp vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ trên bản chính Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh, đồng thời lưu giữ 01 bản sao Tờ khai.
Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu chỉ có giá trị cho cá nhân gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày khi trên Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh.
Mang theo quá số tiền nhập cảnh vào Việt Nam không khai báo bị phạt bao nhiêu?
Tại Điều 6 Thông tư 15 quy định:
Cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh vi phạm các quy định tại Thông tư này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu mang theo số tiền mặt là ngoại tệ có giá trị tương đương trên 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mà không khai báo thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mức phạt hành chính
Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt như sau:
- Người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo thì bị phạt từ 01 – 50 triệu đồng;
- Người nhập cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo thì bị phạt từ 01 – 20 triệu đồng;
- Người nhập cảnh đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì bị phạt từ 02 – 25 triệu đồng.
Trường hợp bị xử lý hình sự
Theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật tiền Việt Nam, ngoại tệ trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc các hành vi khác như: buôn lậu, buôn bán hàng cấm… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Mức phạt quy định với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Bên cạnh đó, tội này cũng quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như:
– Phạt tiền từ 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Vật phạm pháp trị giá từ 300 – 500 triệu đồng;
- Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 – 10 năm nếu phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Bên trên là những thông tin liên quan đến thủ tục mang tiền mặt nhập cảnh vào Việt Nam mà Visatop chia sẻ đến bạn. Với những thông tin hữu ích, hy vọng du khách có thể chuẩn bị tốt cho chuyến bay của mình cũng như những giấy tờ cần thiết cho thủ tục xuất cảnh tại sân bay Việt Nam. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào, có thể liên hệ đến Hotline 0907.874.240 - 028.7777.7979 để được tư vấn kỹ hơn về các thủ tục, vé máy bay, đặt vé,…