Hiện nay, giấy phép lao động di chuyển nội bộ rất được quan tâm khi các tập đoàn lớn đa quốc gia tại Việt Nam thường xuyên có người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ sang làm việc.
Vậy di chuyển nội bộ doanh nghiệp là như thế nào? Các quy định liên quan ra sao? Để có được cái nhìn tổng quan về các quy định, thủ tục đối với vấn đề này, Visatop xin điểm qua những điểm quan trọng để các bạn có cơ sở tham khảo trong quá trình làm việc với người nước ngoài.
Di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp là gì?
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP giải thích:
“Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục”.
(Hiện hành, Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định: ”… đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng”).
Các đối tượng nào được xem là di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp
Nhà quản lý, Chuyên gia, Giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật.. là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
– Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
– Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Hồ sơ chứng minh lao động nước ngoài di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BCT, giấy tờ chứng minh việc di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp bao gồm:
+ Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam có nêu vị trí công việc, chức danh công việc và thời gian làm việc;
+ Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là chuyên gia;
+ Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật ;
+ Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam;
+ Văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại các Phụ lục của Thông tư này là một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Giấy phép thành lập Chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Cùng một số giấy tờ liên quan khác.
Di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp có được miễn giấy phép lao động?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động như sau:
“3. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.”
Như vậy nếu di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành được quy định ở trên thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Nếu di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực ngoài phạm vi này vẫn được cấp giấy phép lao động theo quy định.
Trường hợp nào phải xin giấy phép lao động di chuyển nội bộ?
Những trường hợp người lao động nước ngoài cần phải xin giấy phép lao động khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp được quy định là đối tượng có thư bổ nhiệm và xác nhận kinh nghiệm không ít hơn 3 năm làm việc tại công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động mẹ ở nước ngoài và phải được chứng minh bằng văn bản, giấy tờ (bằng cấp, chứng chỉ, văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc).
Về căn bản, hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc theo hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp cũng khá tương tự so với các trường hợp thông thường. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến một số điểm sau:
Trước khi chuẩn bị hồ sơ thì người lao động nước ngoài phải làm thủ tục xin giấy chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài theo mẫu số 01. Quá trình này sẽ được thực hiện tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc;
Hồ sơ phải bao gồm mẫu đơn xin cấp giấy phép lao động theo mẫu số 07. Tuy nhiên, mẫu đơn mày chỉ dành cho trường hợp xin cấp mới và gia hạn giấy phép lao động, còn với những trường hợp xin cấp lại giấy phép lao động, thì với chỉ cần kê khai và nộp mẫu đơn t số 01 nêu trên;
Tất cả các loại giấy tờ được cấp bởi nước ngoài (bằng cấp, chứng chỉ, văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc..) đều phải nộp bản hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch công chứng sang Tiếng Việt.
Thủ tục làm giấy phép lao động di chuyển nội bộ cho người nước ngoài
Visatop sẽ trình bày thủ tục xin giấy phép lao động di chuyển nội bộ cho người nước ngoài theo 02 trường hợp: Cấp giấy phép lao động và miễn giấy phép lao động. Bạn cần xem kỹ đối tượng lao động thuộc trường hợp nào ở trên để lựa chọn hồ sơ cho phù hợp.
Đối với trường hợp miễn GPLĐ
Bước 1: Hồ sơ đăng ký Giải trình nhu cầu sử dụng lao động
Thời điểm nộp hồ sơ: Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) cần thực hiện nộp hồ sơ này lên cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ chuẩn bị:
Mẫu 01/PLI nghị định 152/2020/NĐ-CP về giải trình nhu cầu sử dụng là người nước ngoài.
Cơ quan tiếp nhận:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc;
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trực thuộc tỉnh/ thành phố hoặc;
Trường hợp nơi làm việc tại khu công nghiệp, tổ chức thực hiện nộp tại ban quản lý các khu công nghiệp.
Thời hạn xử lý: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bước 2: Xin giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Hồ sơ chuẩn bị gồm:
Mẫu số 09/PLI Phụ lục Iban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP
Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe có thời hạn 12 tháng, còn thời hạn tới ngày nộp hồ sơ bản gốc hoặc sao y công chứng.
Bản sao chứng thực văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với các trường hợp cần giải trình.
Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Bản sao y chứng thực và phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch thuật sang tiếng Việt các giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Cơ quan tiếp nhận: Cơ quan tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động ở Bước 1.
Thời hạn xử lý: 05 ngày làm việc và trả kết quả là văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời rõ lý do.
Đối với trường hợp cấp GPLĐ theo thủ tục thông thường
Bước 1: Hồ sơ đăng ký Giải trình nhu cầu sử dụng lao động
Hồ sơ chuẩn bị và thủ tục nộp giống như ở bước 1 của trường hợp 1.
Bước 2: Xin cấp giấy phép lao động
Thời điểm nộp hồ sơ: trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
Hồ sơ làm giấy phép lao động cần chuẩn bị gồm:
Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe có thời hạn 12 tháng, còn thời hạn tới ngày nộp hồ sơ bản gốc hoặc sao y công chứng.
Bản chính Phiếu lý lịch tư pháp cấp tại nước ngoài hoặc cấp tại Việt Nam;
Giấy tờ chứng minh trình độ đáp ứng nhu cầu công việc dự định làm việc tại Việt Nam (bao gồm bằng cấp chuyên môn, chứng minh kinh nghiệm làm việc);
02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;
Bản sao chứng thực văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với các trường hợp cần giải trình.
Lưu ý: Các giấy tờ do nước ngoài cấp phải được Hợp pháp hoá lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt theo quy định.
Cơ quan tiếp nhận: Cơ quan tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động ở Bước 1.
Thời hạn xử lý: 05 ngày làm việc và trả kết quả là Giấy phép lao động (work permit). Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời rõ lý do.
Người nước ngoài di chuyển nội độ được miễn giấy phép lao động có đóng BHXH không?
Người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;
– Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ.
– Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP
Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người lao động được miễn giấy phép lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Qua những thông tin được cung cấp trong bài viết. Visatop mong muốn giúp quý doanh nghiệp hiểu rõ để áp dụng đúng các quy định và tránh được những rủi ro trong quá trình điều chuyển nội bộ người lao động nước ngoài. Trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline: 0907.874.240 - 028.7777.7979 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.