Sau khi được cấp visa và nhập cảnh vào Việt Nam, tùy thuộc bạn là công dân của quốc gia nào và loại visa được cấp thì sẽ có thời hạn lưu trú tại Việt Nam khác nhau. Tuy nhiên, nhiều du khách nước ngoài khi hết hạn lưu trú nhưng vẫn muốn tiếp tục lưu trú ở Việt Nam thì phải là gì?
Theo quy định, khi hết thời gian lưu trú được thông báo trên visa, du khách bắt buộc phải xuất cảnh ra khỏi Việt Nam trước lần nhập cảnh tiếp theo. Tuy nhiên trên thực tế, họ cũng có thể gia hạn thời gian tạm trú nếu có lý do chính đáng.
Thời gian lưu trú là gì?
Thời gian lưu trú đối với du khách là khoảng thời gian một người được phép tạm trú ở Việt Nam, được tính trong mỗi lần nhập cảnh.
Thời gian tạm trú có thể ghi nhận trên thị thực, giấy miễn thị thực và được xác định rõ ràng ngày tháng bằng chứng nhận tạm trú.
Ví dụ: Giấy miễn thị thực có thời hạn 05 năm, nhập cảnh nhiều lần. Tuy nhiên, thời gian tạm trú của mỗi lần nhập cảnh không quá 90 ngày.
Trường hợp được miễn thị thực, người nước ngoài cũng có thời gian tạm trú được quy định cụ thể. Chẳng hạn người Malaysia được miễn thị thực với thời gian cư trú không quá 14 ngày. Người có quốc tịch Đức có thể nhập cảnh vào Việt Nam không cần thị thực với thời gian cư trú ít hơn 30 ngày.
Pháp luật Việt Nam quy định về thời gian tạm trú như thế nào?
Dưới đây là các trường hợp theo quy định của pháp luật:
Thời gian tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực còn thời hạn không quá 15 ngày thì được cấp tạm trú 15 ngày; trường hợp thị thực có ký hiệu ĐT, LĐ thì cấp tạm trú không quá 12 tháng và được xem xét cấp thẻ tạm trú.
Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của Điều ước quốc tế; nếu Điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày.
Đối với người được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày; vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì cấp tạm trú 30 ngày;
Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày.
Một số lưu ý khác:
Đối với người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì không cấp tạm trú.
Thời hạn tạm trú có thể bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy bỏ hoặc rút ngắn trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Du khách nước ngoài nên làm gì khi hết thời gian lưu trú ở Việt Nam?
Khi hết khoảng thời gian đã nêu ở trên, người nước ngoài sẽ phải xuất cảnh hoặc gia hạn tạm trú.
Xuất cảnh
Vì người nước ngoài chỉ được tạm trú tại Việt Nam theo thời gian tạm trú đã được cấp. Do đó, khi hết thời gian tạm trú, người nước ngoài phải tiến hành xuất cảnh.
Trong trường hợp phát hiện ra người nước ngoài không xuất cảnh khi hết thời gian tạm trú, họ sẽ bị buộc xuất cảnh và người mời, bảo lãnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cần chú ý khoảng thời gian giữa lần xuất cảnh và nhập cảnh tiếp theo. Trong trường hợp nhập cảnh theo diện miễn thị thực, khoảng thời gian này phải tối thiểu là 30 ngày.
Gia hạn tạm trú
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp mà người nước ngoài phải ở lại Việt Nam thêm một khoảng thời gian nữa. Do đó, việc xuất cảnh ra khỏi Việt Nam rồi nhập cảnh trở lại là rất phiền toái.
Hiểu được những khó khăn này trong công tác xuất nhập cảnh, Việt Nam cho phép người nước ngoài có thể kéo dài thêm thời gian tạm trú. Điều này sẽ giúp người nước ngoài có thể tạm trú ở Việt Nam thêm một khoảng thời gian nữa.
Để có thể gia hạn tạm trú, người nước ngoài cần thực hiện những công việc sau:
Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
Chuẩn bị hồ sơ gồm: văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét gia hạn tạm trú.